Giới thiệu chung
* Vị trí địa lý
Xã Tân Thuận là một trong 16 đơn vị hành chính của huyện Đầm Dơi, cách trung tâm huyện khoảng 30 km về phía Đông, diện tích tự nhiên 10.877 ha; là xã ven biển, có bờ biển dài khoảng 8 km với 03 cửa thông ra biển (Gành Hào, Áp Hạp, Giá Cao). Vị trí địa lý: phía Đông giáp với Biển Đông, phía Tây giáp xã Tân Đức, phía Nam giáp xã Tân Tiến, phía Bắc giáp huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Địa giới hành chính của xã được chia thành 12 ấp: Thuận Hoà, Thuận Hoà A, Thuận Hoà B, Thuận Lợi A, Thuận Lợi B, Hoà Hải, Hiệp Hải, Thuận Phước, Xóm Tắc, Hoà Lập, Đồng Giác, Lưu Hoa Thanh (trong đó ấp Hòa Hải và Đồng Giác được Chính phủ công nhận ấp đặc biệt khó khăn), dân số 3.813 hộ, 15.643 khẩu. Hiện nay toàn xã còn 210 hộ nghèo, chiếm 5,51%; 39 hộ cận nghèo, chiếm 1,02%. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản. Thu nhập bình quân đầu người 56 triệu đồng/người/năm; có 246 hộ đồng bào dân tộc, 1.084 khẩu (Khmer 237 hộ, 1.057 khẩu, Hoa 07 hộ, 23 khẩu, Ê đê 01 hộ, 06 khẩu và Thượng 01 hộ, 01 khẩu), có 1 nhóm Đạo Tin lành 21 hộ 73 tín đồ.
* Khí hậu thuỷ văn
Số giờ nắng trung bình trong năm là 2.500 giờ, lượng bức xạ trực tiếp cao, lượng mưa trung bình hàng năm tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi thường thấp hơn so với các huyện khác trong tỉnh, khoảng 2.000 mm.
Độ mặn nước sông: vào mùa khô nước kênh rạch hoàn toàn là nước mặn, khu vực cửa sông độ mặn tương đương độ mặn nước biển, sâu trong nội địa độ mặn đạt 20%o vào mùa khô và giảm dần vào mùa mưa xuống còn 5%o.
Do tiếp giáp biển Đông, Xã Tân Thuận chịu ảnh hưởng trực tiếp của thuỷ triều biển Đông là chế độ bán nhật triều không đều và có biên độ triều lớn: mực nước lớn nhất tại cửa Gành Hào từ 3m đến 3.5m, xuất hiện vào tháng 10, 11 âm lịch. Mực nước thấp nhất –0,4 đến 0,5m vào tháng 4, tháng 5 hàng năm. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc cấp thoát nước mặn cho nuôi trồng thuỷ sản.
Nhìn chung, điều kiện khí hậu của xã Tân Thuận rất phù hợp cho phát triển các loại động thực vật nhiệt đới, nhất là các nghề nghề đánh bắt nuôi trồng thuỷ hải sản.
* Tiềm năng
Xã Tân Thuận được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau công nhận Đô thị loại V theo Quyết định số 3120/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 và được Thủ tướng chính phủ công nhận xã An toàn khu theo Quyết định 891/QĐ -TTg ngày 25/7/2022. Xã Tân Thuận từng là xã bãi ngang ven biển, được biết đến với nhiều cái nhất của huyện, như địa bàn rộng nhất, dân số đông nhất, đường đến trung tâm xã xa nhất .... Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh và huyện về hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, với sự nỗ lực của Ðảng bộ, Chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân trong xã, diện mạo Tân Thuận đổi thay từng ngày. Đô thị Tân Thuận là 01 trong 03 đô thị động lực của tỉnh Cà Mau và được định hướng là một trong 03 cực cực phát triển của tỉnh, giai đoạn 2025-2030.
Trên địa bàn có liên tiểu khu 92, 93 thuộc địa phận ấp Đồng Giác và ấp Lưu Hoa Thanh, có cửa biển Gành Hào là tiền đề phát triển kinh tế biển.
Toàn xã có 7.012,85 ha đất nuôi thuỷ sản, trong đó có gần 100 ha nuôi tôm công nghiệp. Tân Thuận được Nhà nước quan tâm đầu tư về thuỷ lợi với 05 công trình cống tiểu vùng ngăn triều cường, điều tiết nguồn nước chống ngập úng, sạt lở, tạo thuận lợi cho nông dân nuôi trồng các loài thuỷ sản có giá trị cao, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu như tôm, cua, hàu, sò huyết. Tân Thuận không chỉ có nuôi tôm, mà còn có nhiều mô hình như mô hình làm muối trải bạt, nuôi hàu lấy thịt, nuôi cua đinh, ba ba, heo rừng, nuôi dê và trồng hoa màu, đặc biệt là dưa hấu ở ấp Thuận Hoà A, ấp Hoà Hải và muối trắng ấp Lưu Hoa Thanh nổi tiếng nhất vùng. Ngoài những tiềm năng trên Tân Thuận còn được biết đến với dự án nhà máy điện gió đầu tiên của tỉnh Cà Mau, Nhà máy Ðiện gió Tân Thuận có công suất 75MW do Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Cà Mau (CMC) làm chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào hoạt động, góp phần tạo việc làm cho người lao động và tiền đề cho nền kinh tế phát triển. Trên địa bàn xã đang triển khai dự án cầu bắc qua sông Gành Hào được xây dựng với tổng kinh phí 665 tỷ đồng nối liền, giao thương tạo động lực phát triển sản xuất, trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) và Thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) nói riêng và khu vực nói chung.
Ngoài ra Tân Thuận đã được UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp Tân Thuận, có diện tích 50 ha, là cụm công nghiệp sản xuất tập trung đa ngành nghề như chế biến thuỷ hải sản; giết mổ và chế biến thức ăn từ gia súc; gia công cơ khí, gia công ngành điện, các sản phẩm công nghiệp phụ trợ và các ngành vật liệu xây dựng, nội thất; các ngành nghề sản xuất công nghiệp khác có tính chất thân thiện với môi trường... Dự báo khi đưa vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 7.000 lao động.
* Tài nguyên
Tài nguyên đất:
Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 10.679,49 ha trong đó đất nông nghiệp và Đất phi nông nghiệp.
Tài nguyên rừng:
Diện tích đất lâm nghiệp của xã 1.733,45 ha, tập trung ở ấp Lưu Hoa Thanh và ấp Đồng Giác
- Rừng phòng hộ: 969,54 ha
- Rừng sản xuất: 763,91 ha
Nhìn chung rừng trên địa bàn ít có giá trị về khai thác gỗ song có vai trò quan trọng nhất là chức năng phòng hộ vì đây là rừng ven biển, ở vùng biển bị xói lở, chắn sóng... và bảo vệ môi trường sinh thái, có vai trò trong kết hợp nuôi trồng thuỷ sản.
Tài nguyên biển:
Tiềm năng kinh tế biển cũng là một trong những thế mạnh của xã, trữ lượng lớn, chủng loại đa dạng, nhiều loại có giá trị kinh tế cao như : tôm, mực, ghẹ, cá hồng, cá sạo, cá chim, cá đuối…